Sau năm lần bị tống cổ khỏi công ty cũ, tôi cũng đúc rút cho mình được một số kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm đắt giá nhất chính là bơ đi mà sống, coi như không biết đồng nghiệp đang xì xào bán tán về ai, đang nói xấu ai, cũng coi như mình chăm chỉ, giả câm giả điếc ngồi tại chỗ làm cho xong công việc, hết giờ thì ra về. Như vậy là tốt nhất! Tôi áp dụng triệt để, những ngày đầu đều bình yên, khiến tôi thấy yêu đời hơn một chút.
Một lần, tôi mải mê làm việc tới mức người ta ra về lúc nào không hay. Khi ngước lên nhìn thì trời đã tối, phía dưới cửa kính làm việc đèn đường thắp sáng thành những đốm nhỏ li ti. Tôi bắt đầu ý thức hơn về công việc của mình. Được đi làm đã khó, giữ được việc làm càng khó hơn. Vậy nên tôi nhất định không để mình được phép phạm sai lầm lần nào nữa. Ý nghĩ đó chỉ vừa mới bắt đầu đã lập tức bị gã làm cho bay biến, khi mà gã cũng xuất hiện, trước mắt tôi.
- Sao giờ này còn chưa về?
- Tôi còn chút việc nữa, thu xếp xong sẽ về ngay thôi. Còn anh?
Thật ra tôi thuận miệng hỏi chứ không hề có ý quan tâm gì đến gã. Không biết gã ngốc thật hay giả vờ ngốc, nhìn tôi trầm lặng, môi khẽ nhếch lên nửa cười nửa không, ánh mắt như bị màn đêm bao phủ.
- Chờ cô. Có việc cần nói với cô. Cùng về nhé!
Từ sau khi vào công ty làm việc tôi đã luôn cảnh giác với gã. Giống như một con nhím lúc nào cũng xù lông. Gã đi thang máy thì tôi nhất định đi thang bộ. Gã xuống nhà ăn của công ty thì tôi nhất định mua cơm hộp về phòng ngồi ăn. Việc không phải chạm mặt gã là việc tốt nhất mà tôi nên làm. Chỉ duy nhất hôm nay chúng tôi ở lại công ty cùng nhau, khi mà mọi người đã về hết, tôi bất cẩn không nhận ra. Hóa ra, là gã đã cố tình nán lại để chờ tôi cùng về. Vì quá bất ngờ nên tôi chưa chuẩn bị tinh thần, vừa lúc ngồi ngẩn ra thì gã lại gần, kéo tay tôi đi, lúc qua dãy hành lang còn cẩn thận tắt đèn. Tôi thấy mình giống như bị mộng du, đi theo gã một cách vô cùng ngoan ngoãn. Giây phút tay mình bị bắt gọn trong bàn tay hắn, tôi chỉ mơ hồ duy nhất một ý niệm:
“Chắc chắn là tính sổ với mình vụ đôi giày lần trước. Được rồi, mình không dễ bị bắt nạt đâu!”
4. Khi chúng tôi xuống đến mặt đất thì đường xá đã dát vàng ánh điện, cộng thêm những ánh sáng xanh đỏ phản chiếu lại từ những biển quảng cáo trên đường, tạo thành một khung cảnh ồn ào náo nhiệt, đủ màu đủ sắc. Tôi bị gã kéo đi hết những con phố dài, cái nắm tay nhẹ nhàng như sợ hãi, lúc lại siết nhẹ như cố chấp, cứ thế kéo tôi đi mà không nói năng gì. Đến một đoạn vắng, chân đạp trên những xác lá ngập dưới lòng đường, tôi mới thức tỉnh, đứng lại và giằng tay mình ra khỏi gã.
- Giả vờ giỏi thật đấy! Còn coi như không quen biết tôi?
- Tôi có quen biết anh?
Tôi xuýt xoa cổ tay, không nhìn gã, hằn học đáp trả. Vốn dĩ chỉ là chuyện tranh chấp một đôi giày đáng xấu hổ thôi, không cần phải tỏ ra quen biết. Hơn nữa nếu gã là một người thù dai thì công việc của tôi cũng sẽ nói lời thứ sáu tạm biệt tôi. Vậy thì, thay vì nhận ra gã, tôi thấy tốt nhất là coi như không biết gì.
- Nói xem, thật sự không nhớ ra tôi sao?
Gã cố nhìn sâu vào mắt tôi, trong mắt gã mênh mông dịu vợi, hình như không phải là hăm dọa, không phải là giận dữ, mà là sự mời mọc tôi bước vào cái vùng quá khứ của gã. Nhưng tôi vốn dĩ giống như một con nhím, lúc nào cũng xù lông lên ứng phó với xung quanh. Tôi cũng lại bị chuyện xa thải làm cho quên hết tất cả. Công ty xấu xa nhất trong quá khứ cũng chứa chấp tôi được ba tháng chẵn, tôi không muốn công ty mới đến làm chỉ chưa đầy hai tuần đã biến tôi thành một kẻ vô sản lần tiếp theo chỉ vì tôi có xích mích với cấp trên. Thấy vậy, tôi bèn cười cầu hòa.
- Này anh, chỉ là một chiếc giày thôi, có cần khổ sở như vậy không? Hơn nữa anh lại là đàn ông, anh mua một chiếc giày phụ nữ làm gì? Phụ nữ như tôi đã khổ sở lắm rồi, vì không thể có được chiếc giày còn lại. Hay là, anh nhường nó cho tôi đi!
Nói quanh co một hồi tôi lại chuyển bại thành thắng, tỏ rõ quan điểm không muốn nhường lại chiếc giày, đồng thời còn tranh thủ xin thêm chiếc giày còn lại chỗ gã. Tôi bất giác thấy vui, niềm vui rất trẻ con mà tôi lượm lặt được lúc cuối ngày.
- Em thật là kỳ lạ. Bướng bỉnh như thế này sao? Thôi được rồi, không nhớ cũng không sao, tôi sẽ từ từ chờ đến khi nào em nhớ ra cũng được.
Phía đuôi mắt gã ánh lên thứ ánh sáng lạ lùng, lời nói cũng vô cùng khó hiểu. Tôi đứng như bị đóng băng ở đó, cộng thêm cái dáng vẻ bất cần khi gã nói. Tôi thấy hình như đã từng gặp ở đâu đó, nhưng càng cố nhớ thì lại càng không thể nhớ ra. Để cho tôi im lặng được chừng ba giây, gã lại nhanh chóng nắm lấy tay tôi, kéo đi. Vẫn kiểu cách nhẹ nhàng nhưng không cho đối phương có cơ hội chống cự, gã vừa đi vừa nói.
- Dù sao cũng để tôi đưa em về! Muộn rồi!
Gã nói vẻn vẹn có thế rồi ẩn tôi lên xe, không giải thích gì thêm. Hình như trong cuốn từ điển của gã chỉ có một vài từ lộn xộn, lúc sắp xếp được thành công cũng vô cùng gắn gọn. Tôi thấy những câu mà gã từng nói chỉ có thể hiểu được tám mươi phần trăm ý nghĩa, còn lại đa phần là tôi không hiểu gì.
5. Những ngày sau khi tới công ty, tôi cố gắng tránh mặt đến mức nào thì vẫn có lúc va phải gã. Chúng tôi không giao tiếp nhiều, mỗi lần gặp tôi thường cúi đầu, gã nhìn tôi chăm chú một lúc rồi cũng nhanh chân đi mất. Dù sao thì gã cũng là cấp trên của tôi, tôi lại không muốn lịch sử đuổi việc của mình bị dày thêm nữa nên áp dụng phương châm “tránh voi chẳng hổ mặt nào”.
Một lần công ty có buổi liên hoan, tôi không hay giao tiếp với đồng nghiệp nên lúc ngồi cùng mọi người cũng không biết nói chuyện trời đất gì cho đỡ thấy ngại ngùng. Gã ngồi cùng ban lãnh đạo được một lúc, rảo bước ra chỗ tôi, không cần hỏi han cũng không xin phép, lập tức ngồi xuống bên cạnh, đỡ chén rượu cho tôi. Mọi người đều ồ lên rồi hết lời trêu chọc, tôi giả câm giả điếc, cắm đầu xuống bàn ăn cho đỡ ngượng. Thật ra thì tôi đúng là không biết uống rượu, tự nhiên có người ra đỡ hộ thấy cảm kích vô cùng. Chỉ tiếc người đó là gã, tôi không quen thể hiện thái độ cảm kích với người mà mình có ác cảm, vậy nên chỉ biết cắm đầu mà ăn thôi.